Ngày cập nhật: 22/09/2010
Các doanh nghiệp đều muốn bán được hàng, song vẫn băn khoăn yếu tố làm thế nào để hiểu người tiêu dùng khi tung ra sản phẩm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lỗi là ở nhà sản xuất lâu nay chỉ mới quan tâm đến chất lượng.
Đại diện Công ty dệt may Thành Công bày tỏ băn khoăn tại hội thảo "Thấu hiểu người tiêu dùng để kinh doanh thành công" hôm 7/9: "Không biết làm thế nào để tạo ra một sản phẩm được gọi là có chất lượng cao trong mắt người tiêu dùng". Còn đại diện công ty Dược Hậu Giang thì trăn trở với việc định hướng tâm lý cho người tiêu dùng, và tại sao nhiều người Việt lại có tâm lý sính ngoại.
Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm, Giám đốc chương trình đào tạo MBA của Viện quản trị kinh doanh Bruxen UBI (Bỉ) tại Việt Nam nhấn mạnh, "bệnh" của nhiều doanh nghiệp hiện nay là chỉ mới chú trọng đến chất lượng sản phẩm chứ chưa thấu hiểu người tiêu dùng. Theo ông, chất lượng sản phẩm phải đi cùng với 4 yếu tố khác là dịch vụ, không gian, thời gian và thương hiệu. Ông nói: "Muốn bán được hàng, doanh nghiệp phải thấu hiểu người tiêu dùng".
Ông Thiêm cho rằng, nếu một sản phẩm có chất lượng tốt nhưng người mua cảm nhận chất lượng dịch vụ đi kèm quá tệ, không xứng đáng, thì sản phẩm đó cũng không được đánh giá cao. Đồng thời, nếu nó được bày bán trong một không gian sang trọng sẽ tôn thêm giá trị rất lớn.
Giáo sư Thiêm lý giải, hành vi tiêu dùng thực chất là mượn sản phẩm, dịch vụ mà mình đang sở hữu để nói về bản thân. Vấn đề là doanh nghiệp hãy tạo cho người tiêu dùng niềm hãnh diện khi sử dụng sản phẩm. Muốn vậy, nhà sản xuất không nên quá chạy theo lợi nhuận mà bỏ mặc lợi ích của người mua. Còn tâm lý sính ngoại, thực chất là người mua cảm nhận rằng hàng ngoại có thể hội đủ 5 yếu tố chất lượng nêu trên, cho họ cảm giác thỏa mãn khi mua.
Ông Thiêm nhấn mạnh, nếu cùng là một sản phẩm như nhau, hàng Việt có chất lượng đảm bảo, trưng bày trong một không gian xứng tầm, có tên tuổi thương hiệu, có chế độ dịch vụ, hậu mãi tốt, thì tất nhiên người tiêu dùng sẽ lựa chọn hàng Việt thay vì chọn hàng ngoại giá cao ngất ngưởng.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng chia sẻ những lo toan khi xây dựng thương hiệu với các doanh nghiệp Việt, với tư cách là một đại sứ hàng Việt. Trong diễn đàn của đại sứ hàng Việt tại Quảng Nam mới đây, một sinh viên thắc mắc Hà Anh Tuấn học ở Đức 5 năm, lại là một ca sĩ rất thời trang nên chắc chắn là người thích xài hàng hiệu.
Ca sĩ họ Hà thừa nhận, quả thực khi ở Đức anh dùng toàn đồ ngoại. Một lần, Tuấn mua sản phẩm của một hãng thời trang nước ngoài khá nổi tiếng, bất ngờ khi phát hiện "Made in Viet Nam". Lúc đó, anh bần thần suốt mấy ngày, nghĩ rằng, doanh nghiệp Việt Nam làm được sản phẩm chất lượng tốt thì những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài mới mời mình gia công. "Chỉ vì thương hiệu Việt không đủ mạnh để người tiêu dùng tin tưởng mua hàng mà phải mượn cái mác của nước ngoài", ca sĩ nhìn nhận.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đúc kết kinh nghiệm: "Yêu hàng Việt, người tiêu dùng nên tìm hiểu và có sự tin tưởng về chất lượng".
Theo kết quả nghiên cứu hành vi tiêu dùng từ tháng 6/2009 đến tháng 6 năm nay của báo Sài Gòn Tiếp thị, chi tiêu cho ăn uống của người dân TP HCM chiếm tỷ lệ cao tương đương các quốc gia nghèo có chất lượng cuộc sống thấp (34,3%). 30% tiền để tiết kiệm, đầu tư. Chi phí cho học tập 15,4%.
Người dân quan tâm nhất là những rủi ro về sức khỏe, công năng tài chính hơn là rủi ro xã hội hay tâm lý. Đặc biệt, người tiêu dùng đã nhìn nhận tích cực hơn về chất lượng hàng nội địa, sẵn sàng ưu tiên dùng hàng Việt trong điều kiện sản phẩm đảm bảo chất lượng với mức giá cạnh tranh.
Theo VNExpress |